Phòng GD&ĐT Sa Pa

Friday, 19/04/2024|
Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình của một ngôi trường

Trường PTDTBT THCS Bản Phùng là một trường vùng cao nằm ở phía Đông Nam của thị xã Sa Pa, thuộc địa phận xã Thanh Bình, địa hình nơi đây là đồi núi, độ dốc cao khiến giao thông đi lại khó khăn, vào mùa đông đây là “rốn rét” của thị xã nên thời tiết rất khắc nghiệt, cuộc sống của bà con dân bản còn nhiều lạc hậu, văn minh dường như mới chỉ dừng lại ở vài nóc nhà ở trung tâm xã mà thôi. Thế nhưng vượt qua tất cả những khó khăn về khí hậu, hoàn cảnh, thầy và trò trường PTDTBT THCS Bản Phùng đã làm nên một cuộc hành trình dài gần hai mươi năm xây dựng và phát triển, nhìn thành quả của ngày hôm nay, chúng tôi – những thầy cô giáo cắm bản của ngôi trường này có quyền tự hào bởi những giá trị mà chúng tôi đã gây dựng nên. Để hiểu được những thành quả ấy tôi đã lật giở từng trang lịch sử của ngôi trường và điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi vô cùng trân trọng, biết ơn những người thầy giáo, cô giáo đã có mặt nơi đây, trước tôi và đã đặt những cột mốc đầu tiên trong hành trình của ngôi trường này.

Hành trình của một ngôi trường

Trường PTDTBT THCS Bản Phùng là một trường vùng cao nằm ở phía Đông Nam của thị xã Sa Pa, thuộc địa phận xã Thanh Bình, địa hình nơi đây là đồi núi, độ dốc cao khiến giao thông đi lại khó khăn, vào mùa đông đây là “rốn rét” của thị xã nên thời tiết rất khắc nghiệt, cuộc sống của bà con dân bản còn nhiều lạc hậu, văn minh dường như mới chỉ dừng lại ở vài nóc nhà ở trung tâm xã mà thôi. Thế nhưng vượt qua tất cả những khó khăn về khí hậu, hoàn cảnh, thầy và trò trường PTDTBT THCS Bản Phùng đã làm nên một cuộc hành trình dài gần hai mươi năm xây dựng và phát triển, nhìn thành quả của ngày hôm nay, chúng tôi – những thầy cô giáo cắm bản của ngôi trường này có quyền tự hào bởi những giá trị mà chúng tôi đã gây dựng nên. Để hiểu được những thành quả ấy tôi đã lật giở từng trang lịch sử của ngôi trường và điều đầu tiên tôi muốn nói là tôi vô cùng trân trọng, biết ơn những người thầy giáo, cô giáo đã có mặt nơi đây, trước tôi và đã đặt những cột mốc đầu tiên trong hành trình của ngôi trường này.

Hành trình “kiến tạo”

Con đường từ trung tâm thị xã Sa Pa đi vào trường PTDTBT THCS Bản Phùng ở thôn Bản Sái, xã Thanh Bình dài gần 30 km. Giống như rất nhiều con đường ở Sa Pa, con đường đi vào xã ngoằn ngoèo, uốn lượn, trông xa giống như một sợi dây thừng vắt chùng chình trên sườn núi, mờ nhạt lẫn trong sương mù. Đi đến gần Bản Kim, nếu như những ngày quang mây, phóng tầm mắt qua những ruộng bậc thang và những nương ngô của bản làng người Dao, có thể dễ dàng nhận ra một ngôi trường cheo leo giữa lưng chừng núi, nhưng khoảng cách tưởng chừng rất gần ấy cũng phải mười ki lô mét nữa. Càng đến gần trường cảm giác càng khó thở đối với người lần đầu tiên đi vào bởi sự heo hút, hoang vu, càng đi càng cảm thấy ta đang đi vào một vương quốc riêng biệt ẩn mình trong rừng thẳm. Các thầy cô có thâm niên trong này đều nói: Đường bây giờ là “ngon” chán rồi, hồi xưa là đường đất, trời mưa bùn đất ngập bánh xe, những đoạn dốc trơn tuồn tuột chỉ trực kéo cả người xuống vực. Các cô giáo mà tay lái không “lụa” thì chịu, chỉ có nước đi bộ hoặc đi nhờ xe các thầy, bởi thế cũng nhiều cô bỏ nghề. Nhưng đấy là chuyện của khoảng 7 năm về trước, bây giờ con đường đã được rải nhựa, rộng rãi, chỉ là sự hoang vu vẫn còn đó bởi dân bản họ không quen sống gần đường, họ sống trên đồi hoặc bên dưới thung lũng. Đi vào gần đến trung tâm thôn Bản Sái, rẽ trái rồi vượt qua một đoạn dốc ngược dựng đứng là đến trường PTDTBT THCS Bản Phùng. Ngôi trường nằm sừng sững giữa lưng đồi, xung quanh là những vườn đào, vườn su su xanh mướt.

Nhìn ngôi trường khang trang, sạch đẹp, ngọn cờ tổ quốc đỏ thắm bay phần phật giữa sân trường, những bông hoa hồng, hoa cúc, hoa ngũ sắc đua nhau khoe sắc, ai cũng vui mừng bởi thành quả của cuộc “kiến tạo” dài đằng đẵng. Ngôi trường  PTDTBT THCS Bản Phùng thành lập năm 2004, được tách ra từ trường Phổ thông cơ sở Bản Phùng, nhưng lúc đầu có tên là trường THCS Bản Phùng, mãi đến năm 2011 trường mới mang tên như bây giờ. Lúc mới thành lập và đến vài năm sau ngôi trường chỉ có một dãy nhà chính cho học sinh học mà thôi, diện tích nhỏ hẹp và mặt bằng thì mấp mô bởi được san giữa sườn dốc để dựng trường, dưới lòng đất lại rất nhiều đá tảng to. Năm 2013, dãy nhà thứ hai được xây dựng, đây cũng là năm trường chuẩn bị đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, vậy là công cuộc “kiến tạo” ngôi trường được thực hiện để ngôi trường mang “hình hài” như hiện nay. Bấy giờ, dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Xuân Trường, thầy cô và học sinh cứ sáng lên lớp, chiều hò nhau lao động, công việc chính là đào đất, đào đá, đập đá, rồi khiêng đá, kè đá, trộn xi, vữa để xây dựng các công trình nhỏ như bờ rào, sân trường, cống.... Có những hòn đá nặng cả tạ, các thầy và các em học sinh hò dô nhau lăn từng xen ti mét để kè sân trường, bởi địa hình ở đây quá dốc, nếu không có đá kè bên dưới thì đổ đất xuống đất sẽ trôi tuột đi không bao giờ đầy được. Với những hòn đá quá to, các em học sinh lớn phải dùng búa đập cho vỡ ra rồi khiêng ra bờ rào để kè hàng rào. Các cô giáo và các học sinh bé hơn thì làm công việc đào đất, khiêng đất, phát cỏ, trồng hoa, mỗi ngày một ít, cả gần một năm trời như thế, diện tích ngôi trường từng bước đượng nới rộng, sân trường bằng phẳng hơn, những bông hoa bắt đầu khoe sắc, những hàng rào bắt đầu được dựng lên và ngôi trường như được khoác lên bộ áo mới. Nhớ lại những ngày tháng đó, thầy cô nào đã từng trải qua đều không khỏi bồi hồi, cũng bởi thời đó ai cũng còn trẻ, hừng hực khí thế và nhiệt huyết, họ làm việc hết mình, cống hiến hết mình, không nề hà bất cứ việc gì dù gian khổ đến đâu. Những thầy cô giáo đã cống hiến hết mình cho ngôi trường những năm đó giờ đây gần như đã chuyển đi nơi khác như thầy Trường, cô Yến, thầy Long, thầy Tiến, thầy Hinh… Nhưng có những thầy cô vẫn ở lại nơi đây như thầy Thành- hiện nay thầy là Hiệu trưởng nhà trường, thầy Tuấn, cô Hiền, các thầy cô tiếp tục dẫn dắt những lứa đồng nghiệp mới chúng tôi bước vào hành trình vừa “kiến tạo” vừa “kiến thiết” để ngôi trường ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Các thầy hò nhau vần những viên đá nặng cả tạ để kè sân trường

Các em học sinh khiêng đất, trộn xi, vữa trong hành trình “kiến tạo” ngôi trường

Hành trình “kéo” học sinh ra lớp

Học sinh trường Bản Phùng 100% là người dân tộc Hmông và dân tộc Dao, từ nhiều thế kỉ nay dân bản vẫn quen sống ẩn mình trong rừng rậm, họ sống kín đáo với những tập tục và suy nghĩ của riêng họ. Vì vậy, việc học đối với bố mẹ các em là một thứ gì đó thật “mất việc” vì con em phải ra trường không giúp bố mẹ trông em, lên rẫy hay chăn trâu được. Cũng có nhiều em do không muốn đi học, các em chỉ quen bắt chim, bắt chuột, sống cuộc sống hoang dại nên khi đi học phải vào khuôn khổ các em thấy bí bách, thế là nhất quyết bỏ về không chịu đi học tiếp. Vậy là thầy cô trường Bản Phùng lại bước vào cuộc hành trình tiếp theo, gian nan và kéo dài cho đến bây giờ, đó là hành trình “kéo” học sinh ra lớp, “kéo” học sinh thoát khỏi cuộc sống hoang sơ, mông muội vốn có từ bao đời nay.

Học sinh của trường sống ở sáu thôn, thôn gần nhất chính là tại nơi đặt ngôi trường này, thôn Bản Sái, đây cũng là thôn trình độ dân trí cao nhất nên việc vận động học sinh cũng dễ dàng hơn. Nhưng có những thôn rất xa như thôn Bản Toòng, thôn này cách trường gần hai mươi ki lô mét, đây cũng là thôn duy nhất đến giờ vẫn chưa có điện lưới, con đường vào thôn vẫn là đường đất, dân bản họ sống trên một ngọn núi cao, quanh năm mây mù bao phủ. Cũng có thôn chỉ cách trường vài ki lô mét nhưng thầy cô lại rất ái ngại bởi cả thôn là người Hmông, họ dựng nhà rải rác trên các sườn đồi, núp mình dưới những tán cây cổ thụ rêu phong cổ kính, để lên được nhà học sinh các thầy cô đôi khi phải bỏ xe máy ở đường lớn rồi leo bộ có khi cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, phụ huynh thì đa số không biết tiếng phổ thông và trình độ dân trí thấp, thôn đó gọi là thôn Phùng Mông.

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học, nhà trường lại phân thầy cô quản lí học sinh ở các điểm thôn, gọi là quản lí cho “sang” chứ công việc chính là “canh” học sinh của thôn mình không cho các em bỏ về và “kéo” các em ra lớp nếu “canh” không được. Thông thường những thôn xa như Bản Toòng thì các thầy sẽ xung phong đi bởi các cô không thể đủ “trình” lái xe vào đến đó được. Nhưng cũng có nhiều cô từ khi vào đây công tác tự nhiên tay lái “cứng” hẳn, cứ lái xe vèo vèo, có những đoạn dốc thẳng đứng, đá trồi lên lăn lóc giữa đường mà vẫn lái xe băng băng. Tôi có lần được ngồi sau xe cô Hạnh để vào thôn Nậm Si 4, sát gần với thôn Bản Toòng mà thót tim, mỗi khi xe đổ dốc, hai tay tôi bám chặt vào càng sau xe mà vẫn trôi tuồn tuột ra đằng trước, có lẽ cô Hạnh phải gồng hết sức lực của đôi cánh tay mới có thể giữ được được tôi lại. Có những khúc toàn đá hộc, hoặc ổ gà, ổ vịt, xe chúng tôi nhảy chồm chồm như điệu nhảy ngựa. Có những khúc cua tay áo như chỉ chực lừa ai “non” tay không kịp phản ứng sẽ lao thẳng xuống vực. Rồi những quãng đường chỉ rộng chừng nửa mét, một bên là tả li, một bên là vực thẳm, độ dốc cao đến nỗi đi trên đường nhìn xuống chỉ thấy ngọn vầu đu đưa theo gió. Tôi chẳng thể đủ can đảm để nhìn đoạn đường tiếp theo như thế nào, mắt tôi nhắm tịt và đầu óc chỉ nghe được tiếng gió vù vù bên tai và tiếng vít ga xé không gian yên tĩnh. Thế mà cô Hạnh đã đi con đường này cả trăm lần trong chục năm công tác của mình để đi gọi học sinh (Cô Hạnh giờ đã chuyển về thành phố nhưng tôi tin rằng kỉ niệm của những lần đi vào bản vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức). Đấy là những đoạn  đường lớn còn đi được xe máy, hết đoạn đường lớn này hoặc gặp những hôm trời mưa, đường trơn, thầy cô đành bỏ xe máy bên vệ đường rồi vạch rừng cuốc bộ tìm đến nhà học sinh. Đôi khi đứng trước những con đường dích dắc dẫn lên nhà học sinh như đi lên mây, chân chúng tôi chùng xuống, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nghĩ đến việc các em không đi học, các em lại quay về cuộc sống hoang dại, bắt chim, bắt chuột trên rừng, lại sống lầm lũi trong những túp lều siêu vẹo chúng tôi không nỡ, lại tự động viên nhau phải làm mọi cách có thể để đưa các em trở lại trường.

Hình ảnh thầy giáo Đặng Văn Thành - Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô đi vận động học sinh năm 2021

Có lẽ người có thâm niên nhất vượt con đường này là thầy giáo Nguyễn Quốc Tuấn, bởi thầy thường xung phong quản lí thôn Bản Toòng, mà đây là con đường duy nhất dẫn đến thôn này. Thầy vẫn hay chia sẻ những kinh nghiệm khi đi vào thôn cho chúng tôi, thầy nói: đi thôn quan trọng nhất là phải thân với trưởng thôn, có khi phải đi vào nhà trưởng thôn uống vài chén rượu trước đã rồi nhờ trưởng thôn dẫn đi đến nhà học sinh, bởi thứ nhất người dân họ nể cán bộ thôn hơn mình, thứ hai, nhiều nhà phụ huynh không thạo tiếng phổ thông thì đã có trưởng thôn phiên dịch. Đặc biệt thầy hay nhắc lại lần đi thôn đáng nhớ của thầy và thầy Long độ khoảng năm 2015. Hôm đó khi vào đến thôn thì trời mưa, đường trơn, dốc không đi được xe máy, thế là 2 thầy đành để xe máy ở bờ suối rồi cuốc bộ gần tiếng đồng hồ đến nhà trưởng thôn. Khi đến nơi trời đã tối, mặc dù trời mưa nhưng khi trưởng thôn gọi thì dân bản đều đến rất đông đủ để nghe hai thầy giáo vận động, phổ biến quy định của nhà trường và kí cam kết cho con em đi học đầy đủ. Xong việc, trưởng thôn bảo vợ mổ món gà xương đen thịt đen và xách bình rượu ngâm thuốc ra đãi khách quý. Các anh trưởng thôn đều như vậy cả, rất quý các thầy cô giáo bản, gặp ở chỗ khác thì không nói chứ hễ gặp thầy giáo ở trong thôn thì luôn xởi lởi, kiểu gì cũng phải mời được thầy về nhà uống rượu và ăn thịt gà qúy với giọng điệu quen thuộc “Ấy, không được đâu, thầy giáo phải vào nhà mình mới được”. Các thầy từ chối cũng không đành bởi công việc “kéo” học sinh có thuận lợi hay không đều nhờ vào trưởng thôn cả. Hôm đấy thầy Tuấn và thầy Long xong việc cũng hơn mười giờ đêm, trời vẫn mưa nhưng hai thầy quyết quay về trường. Lại đi bộ gần tiếng đồng hồ ra ven suối để lấy xe máy, người ướt như chuột lột. Nhưng khi đến suối thì trời mưa rất to, lũ dâng cao, thầy Tuấn thử sắn ống quần định lội sang thì bất ngờ bị hụp xuống nửa thân người, cũng may là thầy cũng đề phòng và có thầy Long kéo tay nên mới lên được bờ. Không sang được suối, nhà dân bản thì không ai ở gần bởi dân họ sống tập trung chỗ nhà trưởng thôn, hết cách thế là hai thầy lại lần theo đường đất quay lại nhà trưởng thôn ngủ nhờ đến sáng hôm sau mới quay về trường.

Các thầy cô hay kể những câu chuyện vừa bi vừa hài trong quá trình đi thôn “gọi” học sinh, cũng có những câu chuyện khiến người nghe quặn thắt lòng. Đó có thể là chuyện những thầy cô “non” kinh nghiệm, đi vào lúc mặt trời chưa xuống núi thì sẽ không gặp được cả học sinh lẫn phụ huynh vì các em cùng bố mẹ lên lán làm nương rẫy tối mịt mới về. Rồi việc vào nhà học sinh không được phát ra âm thanh gì, phải vào bất thình lình thì mới có cơ hội “bắt” được học sinh bởi các em nấp trong nhà, biết thầy cô vào là lẩn ra cửa sau, chạy mất hút, có khi vừa giây trước còn nhìn thấy bóng học sinh mà một phút sau đã thấy ở trên đỉnh đồi. Mà đuổi theo học sinh là điều bất khả thi bởi các em chạy nhanh như con sóc. Gặp trường hợp như thế thầy cô đành nói chuyện với phụ huynh (đa số là không được vì phụ huynh cũng muốn con ở nhà hoặc không biết tiếng phổ thông) thế là thầy cô đành ngậm ngùi quay về nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp. Đó cũng có thể là chuyện những gia đình có tận tám,chín người con mà chen chúc nhau trong ổ rơm trải dưới nền đất, trời rét căm căm mà cả nhà chỉ có một, hai cái chăn bông cũ mèm, đen kịt, ẩm mốc, cả nhà chẳng ai đi làm (hoặc đi làm lúc thầy cô chưa vào), nhìn cảnh đó ai cũng ngán ngẩm. Nhiều khi chúng tôi đi vào gặp bữa ăn của gia đình học sinh, nhìn mâm cơm chỉ vài củ sắn và một nồi canh rau cải lõng bõng nước – cái thứ rau cải mèo vùng Sa Pa đắng ngắt nhưng dân vẫn ăn ngon lành, thầy cô nhìn bữa cơm chỉ trực rớt nước mắt vì thương các em. Chứng kiến những cảnh đó càng thôi thúc thầy cô mãnh liệt hơn việc phải đưa các em đến trường, mong các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Hình ảnh thầy giáo Nguyễn Quốc Tuấn đi vận động học sinh ra lớp

Từ những năm 2014 - 2015, để tăng cường sự gắn kết giữa người dân và nhà trường, để việc đi vận động học sinh dễ dàng hơn vừa tránh tình trạng học sinh lấy lí do trốn về giúp bố mẹ gặt lúa, thầy Trường đã tổ chức cho cán bộ giáo viên đi vào các thôn gặt lúa giúp dân. Thế là các thầy cô được phân theo từng tốp hai đến ba người lên đường đi vào các các điểm thôn. Gặt thì không biết có được nhiều không bởi gặt lúa không phải là “chuyên môn cứng” của thầy cô, nhưng sự gắn kết giữa dân bản và thầy cô thì rõ ràng được cải thiện. Từ đó dân hiểu tấm lòng của thầy cô nên cũng mở lòng hơn, việc vận động học sinh ra lớp cũng thuận lợi hơn.

 

 

Hình ảnh các thầy cô trường PTDTBT THCS Bản Phùng trong lần vào giúp dân gặt lúa

Trong gần hai chục năm dài đằng đẵng, nhờ sự vận động hết lòng của các thầy cô, đã có những lứa học sinh đầu tiên địu gạo ra trung tâm thị xã, xuống Lào Cai rồi xuống Thái Nguyên, Hà Nội để học cấp ba, học nghề, học cao đẳng rồi đại học. Các em đã nhận thức được giá trị của việc học, bố mẹ các em cũng không còn giữ các em ở nhà chăn trâu, gặt lúa, trông em nữa. Vậy là hành trình “kéo” học sinh ra lớp, “kéo” các em thoát khỏi sự lạc hậu, mông muội, công cuộc khai sáng cho người dân bản của thầy cô bước đầu đã thu được kết quả.

Hôm nay nhìn lại thành quả của ngôi trường này, chúng tôi – những thầy cô giáo cắm bản của trường PTDTBT THCS Bản Phùng rất vui và tự hào khi chứng kiến ngôi trường thay day đổi thịt khang trang, sạch đẹp, khi chứng kiến từng lứa học sinh trưởng thành và thoát li quê hương. Chúng tôi vui và tự hào bởi những việc làm thầm lặng mà tự chúng tôi mới thấy hết được ý nghĩa thiêng liêng của nó, chúng tôi sẽ tiếp tục của hành trình của ngôi trường này với sức trẻ, say mê, nhiệt huyết để cống hiến cho nền giáo dục Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

 

Tác giả: Phùng Thị Sứ

Đơn vị: Trường PTDTBT THCS Bản Phùng

 


Tập tin đính kèm
Tác giả: Trường PTDTBT THCS Bản Phùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 23
Hôm qua : 12
Tháng 04 : 333
Tháng trước : 935
Năm 2024 : 3.247
Năm trước : 13.930
Tổng số : 101.102